“Bên thắng cuộc”, tác phẩm của nhà báo Huy Đức. Một nhà báo có tên tuổi trong làng báo Việt Nam. Anh từng làm phóng viên của nhiều tờ báo khác nhau, trước khi đóng đinh tên mình bằng những bài xã luận thường là gây nên những đánh giá khác nhau tại tờ tuần báo Sài Gòn tiếp thị. Huy Đức rời khỏi nghề báo. Sang Mỹ, Huy Đức cho xuất bản “Bên thắng cuộc”, sau khi được tung lên mạng Internet, Bên thắng cuộc của Huy Đức đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Nội dung chủ yếu của Bên thắng cuộc, là những ghi chép tư liệu lịch sử mà theo tác giả thì anh đã bỏ hàng chục năm trời để sưu tập, ghi chép lại từ nhiều nguồn.
"Bên thắng cuộc", được xuất bản dưới dạng sách in (ở Mỹ) và sách mạng, nên nếu người đọc không mua được sách in thì có thể đăng ký qua mạng rồi chuyển tiền đến các trang mạng để những trang mạng này chuyển sách về hộp thư điện tử của mình. Sách gồm hai tập, nhan đề "Giải phóng" và "Quyền bính".Nội dung chủ yếu của “Bên thắng cuộc”, là những chi tiết lịch sử mà theo Huy Đức, là người đã dành thời gian hàng chục năm trời để sưu tập, ghi chép. Đại ý, Huy Đức có nói, ông viết là bởi khi nghe một nhạc sĩ nổi tiếng đề nghị " phải viết để trả sự thật lại cho lịch sử". Có thể, xem đây là tuyên ngôn chính của Huy Đức, một tuyên ngôn mang dáng dấp sứ mệnh cao cả của cá nhân tác giả.
Ngay khi “Bên thắng cuộc” xuất bản, rất đông người hồ hởi đón nhận. Và cũng rất nhanh chóng, cuốn sách được một số người tung hô.. “Bên thắng cuộc” được một vài nhân vật trong giới văn nghệ sĩ hải ngoại đánh giá cực cao, thậm chí có ai đó còn đòi trao giải Nobel cho nó. Đọc, tùy theo quan điểm hay sở thích của mỗi cá nhân. Từ đó, cá nhân có quyền đưa ra nhận định của riêng mình.
Xuyên suốt trong quyển sách, có vẻ như Huy Đức chỉ thuần túy nêu sự kiện, không bình luận; nếu có bình luận thì chỉ dẫn lời của ai đó, với nguồn dẫn chứng rõ ràng, cụ thể, mà như muốn cho người đọc thấy sự khách quan, không định kiến, không phiến diện của tác giả. Thế nhưng, dù cố “giấu mình” nhưng qua chính những sự kiện trong cuốn sách, bằng góc độ tiếp cận thông tin, lựa chọn, xử lý thông tin và trình bày ra cho người đọc các chi tiết của sự kiện, của thông tin đó, tự bản thân nó đã thể hiện quan điểm, ý đồ của người viết.
Các sự kiện trong Bên thắng cuộc thường xuyên và liên tục được thể hiện theo cách thức đó. Qua những sự kiện, những tư liệu phục vụ cho ý đồ của mình, tác giả đã cho người đọc thấy một màu rất tối cho cả quãng đường mấy mươi năm sau ngày thống nhất đất nước. Chẳng hạn, tác giả nói khá nhiều về vấn đề “học tập cải tạo” của những người làm việc cho chế độ cũ, việc “cải tạo tư sản”, “cải tạo công thương nghiệp”… Nhưng nếu chỉ nhìn một mặt của vấn đề thì tất yếu là chưa đầy đủ, chủ quan, phiến diện. Và, với một số sai lầm, hạn chế, không hoàn toàn do chủ trương chung mà do nhận thức, cách hành xử (sự hăng hái quá mức trong khi lại khá ấu trĩ…) của một số cán bộ, đảng viên thừa hành lúc bấy giờ.
Do đó, vì không có quan điểm lịch sử cụ thể, không có cái nhìn bao quát, toàn diện, cộng với ý đồ không thực sự trong sáng, thể hiện bằng một sự lập lờ, tác giả đã cố ý gây ngộ nhận cho người đọc. Sự ngộ nhận đó thật nguy hiểm!
Đọc cuốn sách, người ta bị chìm trong sự nghi ngờ năng lực lãnh đạo của Đảng, năng lực điều hành của Nhà nước. Thế nhưng, có một sự thực hiển nhiên không ai có thể phủ nhận: trong hoàn cảnh bị bao vây, cấm vận, bị các thế lực thù địch công kích trên nhiều mặt trận, cả quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, cả ở biên giới Tây Nam lẫn biên giới phía Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta giữ vững ổn định chính trị, đẩy lùi các cuộc tấn công quân sự, nâng dần vị thế chính trị của đất nước.
Một nhân vật trong cuốn Bên thắng cuộc sau khi đọc sách đã nói rằng nếu không vì lòng yêu nước và tinh thần dân tộc mà chỉ là cuộc chiến Bắc-Nam thì sẽ không có những người ở Lạng Sơn, Thái Bình xung phong lên đường ra trận và chết ở Cà Mau. Và đâu phải chỉ có bộ đội miền Bắc vào Nam đánh Mỹ, chính nhân dân cả miền Nam đã làm nên Nam Bộ kháng chiến thời kháng Pháp rồi cùng nổi dậy Đồng khởi từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm phá hủy hiệp định đình chiến và truy sát những người kháng chiến. Người Việt ở cả hai miền đã cùng cầm súng chống ngoại xâm.
Viết về chiến tranh không thể không nói đến mục đích, ý nghĩa, đối tượng, quy mô, thời gian và các bên tham chiến. Khi mục đích chống xâm lược giành độc lập và thống nhất nước nhà bị bỏ qua, sẽ không thể lý giải thỏa đáng nguyên nhân và ý nghĩa của chiến thắng, còn bóp méo sự thật lịch sử dù với bất cứ lý do gì thì đều là tệ hại.
Tác giả đòi hỏi “hiểu trung thực về quá khứ” nhưng lại nói về “bên thắng cuộc” bằng cách ghi nhận chỉ một phần những gì diễn ra với một số ít người ở phía bên kia. Nhiều trang sách đề cập những tướng lĩnh quân đội Sài Gòn tự sát trong ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, mà tác giả gọi là “tuẫn tiết”. Sự tuyệt vọng dẫn đến cái chết ấy ở đây xin không bình luận. Nhưng tác giả từng là lính, không thể không biết những đồng đội thế hệ trước mình đã làm gì trong những ngày ấy. Hình ảnh ngày cuối chiến tranh không đơn giản chỉ là những chiến xa bánh xích hiền lành với những anh bộ đội miền Bắc lạ lẫm ở Dinh Độc lập sáng 30-4-1975.
Bên thắng cuộc hướng suy nghĩ của người đọc rằng chế độ mới thiếu nhân văn khi nói về điều kiện sống của những sĩ quan chế độ Sài Gòn bị đưa đi học tập. Thật ra cái khó khăn mà những sĩ quan cao cấp đó gánh chịu chỉ bằng một phần rất nhỏ những gì mà quân và dân Việt Nam chịu đựng suốt trong hai cuộc kháng chiến, không lẽ tác giả không biết? Nhấn mạnh “chế độ hà khắc” của các trại cải tạo nhưng cuốn sách lại không nhắc đến những trại tù và cách ứng xử của chế độ Sài Gòn cũ đối với những người yêu nước. Không nhắc đến một thực tế là đã không có người tù cải tạo nào bị tra tấn bằng vôi bột, bị đóng đinh, gí điện, bị đánh đến tàn phế... như những gì mà nhiều người trong số họ từng đối xử với đối phương của mình ở Phú Lợi, Côn Đảo, Phú Quốc, Chuồng cọp Sở thú và hàng trăm nhà tù khác khắp miền Nam. Cuốn sách cũng đã không nói rằng sau khi tiếp quản, không hề có việc lê máy chém đi khắp miền Nam như chế độ cũ đã làm với cán bộ cách mạng và thân nhân trong Luật 10-1959.
Cần phải đặt trong sự tương quan khi nhận định về sự nhân văn nhưng tác giả cuốn Bên thắng cuộc đã không làm hoặc không muốn làm điều đó. Để có bản tin giải phóng trên loa phóng thanh mà cậu bé 13 tuổi nghe khi đang vật nhau với bạn ven đồi, phải trả giá bằng trăm ngàn mất mát, đau thương chứ không đơn giản chỉ là việc húc đổ cổng Dinh Độc lập và cắm cờ trên nóc. Nếu lịch sử được mô tả chỉ từ một hướng với sự sắp đặt thiên kiến thì nó không còn là lịch sử nữa.
Như vậy, Cái mà cuốn sách đem lại cho người đọc, không có cái gì khác hơn là làm cho công chúng nghi ngờ vào sự lãnh đạo của Đảng, cũng như năng lực điều hành của Nhà nước. Đó là chưa nói tới ấn tượng xấu về đời tư của nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Một ấn phẩm như thế, lẽ nào lại được tung hô một cách quá đáng, dù chỉ mới dừng lại ở cộng đồng dân cư mạng.
Cho nên, cần thấy cả điểm và diện, thấy cả cây và rừng thì mới thuyết phục được người đọc. Cũng như người đọc phải đọc được cả các chi tiết của sự kiện thì mới có thể khẳng định đâu là sự thật. “Thái độ cần thiết hiện nay, dù có khác biệt như thế nào đi chăng nữa, thì tất cả các giai tầng xã hội, các tầng lớp nhân dân cần hành động với một động cơ duy nhất, đó là vì lợi ích của dân tộc, vì sự ổn định chính trị, vì sự bình yên của xã hội để làm ăn và phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình đại đoàn kết, hòa giải và hợp dân tộc. Mọi hành động phá hoại mục đích đó hoặc khoét sâu thêm những bất đồng để đẩy đất nước đến bờ vực của sự hỗn loạn phải bị loại trừ và lên án.. Sức mạnh của chúng ta phải là sức mạnh của lòng dân, của tinh thần đoàn kết nhất trí toàn dân tộc. Đất nước sẽ không thể đứng vững bởi sự chia rẽ. Sự chia rẽ chính là cơ hội cho những kẻ xâm lược”
Vũ Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét