Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Phải làm rõ trắng đen, tránh khiếu kiện kéo dài


NDĐT - Một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là quản lý đất đai, tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo của nhân dân trong thời gian vừa qua đã được các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang, với tư cách người đứng đầu lĩnh vực này. 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Tiên Lãng, Văn Giang là những bài học sâu sắc.
Sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã mở đầu phiên chất vấn của các thành viên Chính phủ. Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, buổi chất vấn diễn ra khá kỹ càng.
Nổi bật nhất là những câu hỏi xung quanh những vấn đề về quản lý đất đai, tài nguyên vô cùng quý giá của quốc gia.
Tiên Lãng, Văn Giang là những bài học sâu sắc
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nêu vấn đề, đa số các địa phương đều thực hiện chủ trương trải "thảm đỏ" cho doanh nghiệp và cho các nhà đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư thì trải "thảm gai" cho nông dân. Trong khi các khu công nghiệp, đô thị đang bỏ hoang hóa, còn người nông dân thì thiếu đất sản xuất, canh tác. Vấn đề bây giờ phải có một cơ chế chính sách như thế nào để đảm bảo quản lý thống nhất và hạn chế đến mức tối đa sự lãng phí tài nguyên đất đai của quốc gia.
Trả lời ý kiến chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, chủ trương lớn nhất là trong giai đoạn vừa qua và hiện nay khi tiến tới CNH, HĐH đất nước thì vẫn phải tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào và vẫn phải trải thảm đỏ.
“Vừa qua chúng ta có bài học khá rõ. Chúng ta kêu gọi các nhà đầu tư vào, nhưng có thể họ chỉ làm một số việc, thí dụ thuê đất lắp ráp các công nghệ, chủ yếu lắp ráp là chính. Bây giờ cần quy định chặt hơn để các nhà đầu tư vào phải sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả. Chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ để có những quy định cụ thể hơn, khắc phục tình trạng này”- Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.
Về vấn đề trải thảm đỏ cho nhà đầu tư, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh giải trình thêm, trải thảm đỏ cho đầu tư công nghiệp là để tái đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, kích thích ngành nông nghiệp phát triển và phải chuyển bộ phận lớn nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ.
Đặt câu hỏi trực tiếp vào những vụ việc mà dư luận cả nước quan tâm như vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang, Cần Thơ, Vụ Bản…, đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) đề nghị lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết cụ thể thái độ của Bộ và Bộ trưởng Quang cần phải nói rõ giải quyết đúng sai thế nào và bao giờ thì xong.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, ở đây liên quan đến khá nhiều vấn đề, nhiều vụ việc. Theo Bộ trưởng Quang, “Đây là những vụ việc đáng tiếc và là những bài học sâu sắc trong việc quản lý đất đai cũng như giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo”.
“Trách nhiệm của chúng tôi là những người thanh tra, kiểm tra việc thực hiện những văn bản pháp luật. Thái độ chung của chúng tôi là các vụ việc phải được giải quyết trên cơ sở những quy định của pháp luật”- Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói, “riêng vụ Tiên Lãng, sau khi xảy ra vụ việc này, Hải Phòng đã tập trung giải quyết, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến và Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng về giải quyết vấn đề này như thế nào.
Bộ trưởng cho biết, Hải Phòng đã kiểm điểm trách nhiệm của mình là không kiểm tra chặt chẽ, để xảy ra vụ việc này tại Tiên Lãng. Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có ý kiến đối với Hải Phòng về xử lý tiếp theo thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Trên cơ sở đó, làm rõ những vi phạm trong việc sử dụng đất như thế nào, đồng thời có thể cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn tiếp tục sử dụng đất với hình thức thuê đất theo qui định của luật hiện hành.
Với vụ việc ở Văn Giang, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, thật ra đây là dự án đã được phê duyệt tương đối lâu rồi, quá trình thực hiện như vậy dự án khu Đô thị thương mại dự án này kéo dài đến 2020.
“Chúng tôi cho rằng, việc vừa rồi Hưng Yên đã thực hiện cưỡng chế một số hộ: 166 hộ với diện tích thu hồi hơn 5ha. Vừa rồi trên phương tiện thông tin đại chúng có những ý kiến này, ý kiến khác, nhưng chúng tôi đã cử một đoàn cán bộ xuống đó nắm tình hình. Hiện nay người dân không phải người ta có gì kêu ca, phàn nàn gì về chuyện chính sách đền bù hỗ trợ cả. Mà người dân có đề nghị dự án đấy có thể thu hẹp lại một chút. Vấn đề thứ hai là làm thế nào xử lý khu dịch vụ, tức là phần mà người dân người ta được hưởng thì phải nằm trong khu đô thị đó”.
Bình quân 400.000 lượt người khiếu nại/năm
Theo báo cáo của ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng thanh tra Chính phủ, sơ kết bốn năm vừa qua cho thấy, tình hình khiếu nại lên rất cao. Bình quân hàng năm có khoảng 400.000 lượt người đi khiếu nại và các cơ quan Nhà nước, các cấp đã nhận 160.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo.
Từ 2008 đến 2011, đã giải quyết về khiếu nại đạt 88%, về tố cáo giải quyết đạt 84%. Nội dung khiếu nại, tố cáo trong bốn năm vừa qua về đất đai chiếm 70%, nhưng từ tháng 9 - 2011 đến nay thì nội dung khiếu nại, tố cáo về đất đai tăng lên chiếm 79%.
Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định, đây là lĩnh vực bức xúc nhất dẫn tới nhiều cuộc khiếu kiện đông người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ quả này mà trong đó vai trò tham mưu ban hành chính sách, trực tiếp giải quyết công tác quản lý đất đai... của ngành rất quan trọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn, Bộ trưởng có thể làm gì để tham mưu cho Chính phủ giải quyết dứt điểm các điểm nóng về lĩnh vực đất đai, nhất là những vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm trong thời gian qua để người dân được an tâm. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, tổng kết giải quyết đơn thư khiếu nại vừa qua doThủ tướng chủ trì, hiện nay còn khoảng trên 500 đơn, do đó, hướng tới là cần phải tập trung các địa phương, trong đó có các cơ quan Trung ương nữa để phối hợp giải quyết dứt điểm những vụ việc kéo dài này.
Theo Thanh tra Chính phủ, từ khi có Nghị định 69, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã có những bước tiến đáng kể trong ổn định đời sống, đào tạo nghề đối với người dân có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, Nghị định 69 cũng có những quy định gây ý kiến trái chiều. Thí dụ, quy định hỗ trợ chuyển đổi nghề tùy điều kiện từng địa phương có thể vận dụng hệ số trong khung từ 1,5-5 lần giá đất. Người dân cho rằng quy định như thế này làm cho giá đất tăng lên, liên quan đến việc thu hút đầu tư. Vấn đề lợi ích của nhà nước, lợi ích của người có đất bị thu hồi và lợi ích của nhà đầu tư trong thời gian vừa qua là một trong những nguyên nhân rất cơ bản dẫn đến tình hình dân khiếu kiện.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hiện nay còn tồn đọng 904 vụ khiếu kiện cả ở Trung ương và địa phương, trong đó có 380 vụ thuộc thẩm quyền của Trung ương và có trên 600 vụ của các địa phương.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tổng thanh tra Chính phủ phối hợp với các địa phương “tập trung giải quyết 904 vụ này trong năm nay, Cho tới ngày 31-12 cơ bản phải giải quyết xong”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, còn lại những vụ khó khăn, chúng ta có thể lùi sang đầu năm, nhưng phải làm trắng đen rõ ràng để có thể kết luận được, tránh tình hình khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo, mất trật tự an toàn xã hội, vì đây là vấn đề rất lớn.

THẢO LÊ - MINH NHẬT (nhân dân online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét