Ngày 26-4-2013, website BBC tiếng Việt đăng bài viết nhan đề Google bác bỏ "yêu cầu kiểm duyệt từ Việt Nam - một kiểu "rút tít" vừa giật gân câu khách, vừa cố tranh thủ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Việt Nam! Tuy nhiên, theo Báo cáo minh bạch
do Google công bố ngày 25-4 thì không chỉ như vậy.
Báo cáo đề cập tới yêu cầu tương tự từ nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Brazil,... thậm chí 20 nước từng gửi yêu cầu tới Google đòi xóa phiên bản video Innocence of Muslims - bộ phim được coi là nguyên nhân dẫn tới bạo lực ở Trung Ðông thời gian qua. Vì thế, qua bài báo của BBC, câu chuyện ai là kẻ thù của internet cần được làm sáng rõ.
Thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ khi có internet. Con người, do tiếp xúc và sử dụng internet đã có nhiều thay đổi cả về tập quán sinh hoạt, phương thức tư duy cũng như cách thức hành động. Dù phải thay đổi để thích nghi với yếu tố mới của môi trường sống, hầu như không người nào từ chối sử dụng internet, đơn giản vì nó trực tiếp góp phần đem lại sự phồn vinh, chí ít cũng về thông tin, tri thức. Vậy mà lại có tổ chức bịa ra cái định danh "kẻ thù của internet" để quy kết quốc gia này quốc gia kia. Nhưng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, bản thân internet không có kẻ thù, internet chỉ đơn giản là công nghệ do con người tạo ra để phục vụ mình. Từ khi ra đời đến nay, internet đồng hành cùng con người trong cuộc mưu sinh, trở thành công cụ đắc lực trong cuộc sống. Có chăng là cách thức và mức độ quản lý internet ở mỗi quốc gia có sự khác nhau.
Với Việt Nam thì sao? Khoảng mươi năm trở lại đây, Việt Nam dẫn đầu danh sách các quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh trên thế giới. Báo cáo của Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, tổng số thuê bao băng rộng hiện nay đạt gần năm triệu, tổng số thuê bao 3G đạt hơn 3,3 triệu. Tính đến tháng 11-2012, nước ta có hơn 31,3 triệu người sử dụng internet, chiếm 35,58% dân số. Hiện tại 100% viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung học phổ thông ở Việt Nam có kết nối để truy nhập internet băng rộng; hơn 90% các trường trung học cơ sở, bệnh viện được kết nối internet. Ða số cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, bác sĩ, sinh viên đại học và cao đẳng, học sinh trung học chuyên nghiệp và học sinh THPT sử dụng internet. Khoảng 70% số xã có cơ sở dịch vụ viễn thông kết nối băng rộng. Ðặc biệt, truyền thông điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh chưa từng thấy với hàng trăm báo và tạp chí điện tử, hơn 1.200 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép, 330 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động, cùng một số lượng rất lớn blog cá nhân. Ðiều cần nhấn mạnh là, Việt Nam không có quy định kiểm soát thông tin cá nhân của người sử dụng internet. Vì thế, tự do internet của Việt Nam là sự thật không thể bác bỏ. Hay nói cách khác, Việt Nam là quốc gia hết sức thân thiện với internet.
Tuy nhiên, dù tiện dụng đến đâu thì công nghệ nào cũng có mặt trái của nó. Từ thực tế có thể nói, mặt trái của internet gây tác hại có thể hủy hoại tâm hồn con người, đe dọa an ninh quốc gia, trực tiếp trở thành công cụ tiến công hay phòng thủ trong các cuộc chiến tranh mạng hay xung đột vũ trang. Thậm chí thông tin giả trên internet có thể làm bùng nổ chiến tranh. Như gần đây, thông tin thất thiệt về hai vụ nổ bom tại Nhà trắng khiến Tổng thống Obama bị thương đăng trên tài khoản Twitter của hãng thông tấn AP đã làm cho thị trường chứng khoán Mỹ thiệt hại gần 137 tỷ USD chỉ trong vòng ba phút! Do đó, mối lo ngại của cộng đồng quốc tế với mặt trái của internet là điều tất yếu. Ðể ngăn ngừa tác hại của internet, mọi quốc gia trên thế giới đều triển khai những biện pháp nhằm kiểm soát nội dung và hành vi của những người sử dụng internet. Ông Gary Shapiro, Chủ tịch và giám đốc điều hành của Hiệp hội Ðiện tử tiêu dùng (CEA), tổ chức thương mại của Mỹ đại diện cho hơn 2.000 công ty điện tử tiêu dùng, đã nói: "Một số chính phủ nước ngoài nhìn thấy sự mở cửa và tự do của internet như là một mối đe dọa. Trong thực tế, 89 quốc gia đã ký hiệp ước ITU đem lại cho các chính phủ quyền kiểm soát nhiều hơn đối với an ninh mạng và thư rác".
Hãy xem Mỹ - nước vẫn tự hào là nơi sản sinh ra internet, đã quản lý internet như thế nào. Trước hết Chính phủ Mỹ kiểm soát internet thông qua Tổ chức quản lý số liệu và tên miền internet quốc tế (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers - ICANN). ICANN thành lập năm 1998, là tổ chức hoạt động theo hợp đồng ký kết với Chính phủ Mỹ, chịu sự giám sát của chính phủ nước này. ICANN có chức năng kiểm soát tất cả các trang mạng và địa chỉ email toàn cầu thông qua phân bổ địa chỉ IP, quản lý hệ thống máy chủ cơ sở internet, thực hiện những thay đổi ở tầng cao nhất của kiến trúc mạng, xác định phân vùng những tên miền cấp cao như .com, .org, .net,... Vai trò, vị trí của ICANN với internet là tối quan trọng trên phạm vi toàn cầu, song ICANN lại quan hệ mật thiết với Chính phủ Mỹ; nói cách khác là, trên thực tế, Chính phủ Mỹ quản lý tổ chức này rất chặt chẽ. Nên mới có chuyện nước Mỹ kêu gọi các quốc gia khác buông lỏng quản lý internet, vì Mỹ đã nắm trong tay con át chủ bài rồi. Tuy nhiên điều này đi ngược lại lợi ích của đa số các quốc gia trên thế giới, nhiều quốc gia, tổ chức như Pháp, Ðức, Nga,... tỏ rõ thái độ không đồng tình với việc mạng lưới internet toàn cầu do một tập đoàn độc quyền Mỹ thao túng. Cần lưu ý là lãnh đạo của ICANN lại là một cựu lãnh đạo trung tâm an ninh mạng thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ. Do đó, nhiều nước tỏ rõ ý muốn ICANN chịu sự quản lý của một thể chế quốc tế, có thể là Liên hợp quốc, bởi vì internet mang bản chất xuyên quốc gia.
Một vấn đề rất dễ thấy là chính người dân Mỹ, chứ không phải ai khác, đang bị theo dõi chặt chẽ thông qua internet. Hãng tin Foxnews tiết lộ rằng, trong năm 2012, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Google cung cấp dữ liệu về người sử dụng hơn 31.000 lần; dù phàn nàn về việc này nhưng Google vẫn phải giao nộp một số thông tin về email cá nhân, dữ liệu tìm kiếm (mà điển hình là sự kiện Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng đề nghị Google gỡ bỏ các đoạn phim Innocence of Muslims ra khỏi mạng chia sẻ video YouTube). Nhiều cơ quan của Chính phủ Mỹ cũng tìm cách nhảy vào quản lý internet để tìm cách đánh sập những tên miền xuyên biên giới, lùng sục ma túy, tiền bẩn, hạn chế cờ bạc trực tuyến, buôn bán vũ khí trên mạng... Những hoạt động khủng bố gần đây đã khiến cho nhà chức trách Mỹ và nhiều quốc gia tăng cường theo dõi, thu thập thông tin từ internet. Như trong cuốn sách Ðịnh nghĩa về tự do Internet của tạp chí điện tử eJournal USA, Giáo sư Derek Bambauer (Trường Luật Brooklyn) cho biết: "Tại Mỹ, các công ty viễn thông phải tích hợp cả chức năng nghe trộm điện thoại vào các sản phẩm và dịch vụ của mình". Còn Giáo sư Richard A. Epstein (Ðại học Luật Chicago) thì bày tỏ thái độ về quản lý internet như sau: "Có phải chúng ta đều có chung quan điểm về việc người Trung Quốc hạn chế các bài diễn thuyết chính trị không? Và có phải Mumbai chỉ ngăn chặn các bài diễn thuyết của các nhóm Hindu cực đoan không? Còn trường hợp người Pháp đã cấm các hình ảnh của những nhóm theo chủ nghĩa da trắng độc tôn? Và còn quyết định của New Zealand về việc cấm các văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em? Thêm vào đó là việc Mỹ chặn hành vi sử dụng bất hợp pháp các tư liệu có bản quyền...". Các chuyên gia còn lưu ý, chỉ cần một lần thanh toán bằng thẻ tín dụng thì danh tính người sử dụng sẽ bị ghi nhận trong hệ thống máy tính Mỹ và bị theo dõi hoạt động. Như vậy, chính các chuyên gia của Mỹ thừa nhận sự kiểm soát chặt chẽ của Mỹ đối với internet.
Từ thực tế trên có thể khẳng định, Mỹ là một trong những quốc gia quản lý internet chặt chẽ nhất, tuy nhiên, tổ chức Phóng viên không biên giới - RSF lại chưa bao giờ coi Mỹ và các nước phương Tây là "kẻ thù của internet". Mà tổ chức này lại cho rằng, Việt Nam là một trong năm quốc gia theo dõi internet một cách nghiêm ngặt nhất (?). RSF nhận xét rằng tại Việt Nam, hệ thống mạng ở Việt Nam tuy chất lượng còn yếu song vẫn bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Và VOA, RFA, BBC cùng một số trang mạng thiếu thiện chí với Việt Nam lập tức bám vào nhận xét vô căn cứ của RFS để cổ vũ cho các quan điểm sai trái này.
Một khi truyền thông xã hội được sử dụng vào các mục đích lừa đảo, vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội, đe dọa an ninh quốc gia sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Hiện nay việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, sai trái, thiếu văn hóa trên môi trường internet toàn cầu đang được tất cả các quốc gia đẩy mạnh. Tuy nhiên công việc này gặp rất nhiều khó khăn về phương diện kỹ thuật cũng như do sự khác biệt về môi trường pháp lý giữa các quốc gia. Ðiều này cần nhận được sự ủng hộ của các tổ chức có quan tâm tới vấn đề, chứ không phải cứ xưng xưng vu cáo nước khác, mà lờ đi thực trạng, như RSF vẫn làm. Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân cần tự ý thức về tất cả những điều pháp luật không ngăn cấm, bảo đảm cho internet là công cụ kết nối con người với con người, đem lại cuộc sống hòa bình, thịnh vượng cho con người.
ANH KHÔI(BÁO NHÂN DÂN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét