Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Chủ tịch nước : Trao đổi chân thành,thẳng thắn về Biển Đông

Trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc (từ ngày 19-21/6/2013), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc trả lời phỏng vấn các hãng báo chí Trung Quốc thường trú tại Hà Nội về quan hệ Việt-Trung.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, thời gian tới, lãnh đạo cấp cao hai nước cần duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên, từ tầm cao chiến lược và quan hệ hữu nghị hai nước, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Trong nội dung trả lời được đăng tải tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Chủ tịch nước gửi gắm thông điệp tới nhân dân Trung Quốc: "Tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản chung vô cùng quý giá của nhân dân hai nước do các thế hệ lãnh đạo tiền bối và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Chúng ta đều có trách nhiệm giữ gìn, kế thừa và phát huy".

Báo chí Trung Quốc đã đề nghị Chủ tịch nước cho biết ý kiến trong việc xử lý và giải quyết những vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Về vấn đề này, Chủ tịch nước nói rõ: “Chúng ta đã có nhiều nỗ lực và kinh nghiệm quý báu trong xử lý các vấn đề gay go, phức tạp trong quan hệ hai nước, đáng kể nhất là việc hai nước đã giải quyết xong vấn đề biên giới trên đất liền và phân định vịnh Bắc Bộ. Cũng trên tinh thần đó, lãnh đạo hai nước đã nhiều lần trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn và đạt nhiều nhận thức chung quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biển Đông".

Tuy nhiên, có thể khẳng định việc giải quyết vấn đề biển Đông là hết sức hệ trọng vì liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đến tâm tư tình cảm thiêng liêng của dân tộc, của người dân.

Ông cho rằng, thời gian tới, lãnh đạo cấp cao hai nước cần duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên, từ tầm cao chiến lược và quan hệ hữu nghị hai nước, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Có như vậy mới không ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị, tin cậy chính trị hai nước cũng như tình cảm của người dân hai nước.

Chủ tịch nước trông đợi trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới, sẽ cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc trao đổi thẳng thắn, chân thành, tiếp tục có thêm những giải pháp để giải quyết thỏa đáng những bất đồng trên biển giữa hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hai đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định tại biển Đông.

Ông khẳng định: “Đối xử nhân đạo với ngư dân, xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá phù hợp với quan hệ hữu nghị hai nước cũng là một trong những nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai nước. Tôi đã đi thăm nhiều vùng ven biển của Việt Nam, đã gặp gỡ nhiều ngư dân, họ đều là những người lao động chăm chỉ và còn rất nhiều khó khăn, đời sống gia đình nhiều đời nay chỉ dựa vào nghề đánh bắt cá truyền thống trên biển Đông. Do vậy, trong thời gian tới chúng ta cần quan tâm đầy đủ đối với ngư dân, giúp họ có cuộc sống ngày càng tốt đẹp, yên ổn và bền vững hơn. Điều này cũng là phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”. 

Đề cập đến tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc hiện nay còn lớn, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng bền vững của thương mại song phương, Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh việc thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng ổn định, hai bên cần cùng nhau áp dụng những biện pháp quyết liệt, có hiệu quả để sớm giảm nhập siêu.

Mặt khác, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Cho nên, các ngành chức năng hai nước cần cùng nhau đánh giá kỹ những nguyên nhân cũng như bài học kinh nghiệm về việc tại sao đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam thời gian qua còn khiêm tốn, để từ đó có những biện pháp hiệu quả đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Việt Nam hoan nghênh các dự án đầu tư lớn, mang tính tiêu biểu, với công nghệ hiện đại và thiết bị tiên tiến của Trung Quốc vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chế tạo, công nghiệp phụ trợ... Và Việt Nam cũng mong muốn đưa thêm nhiều hàng hóa hơn nữa sang Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực nông sản, thủy hải sản... 

Để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đi vào chiều sâu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng hai nước cần cùng nhau nỗ lực làm tốt bốn việc.

Một là, tăng cường tin cậy chính trị, trong đó quan trọng nhất cần duy trì và đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, cũng như giữa các bộ/ngành, địa phương hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước cần thường xuyên đi thăm nhau, gặp gỡ, trao đổi với nhiều hình thức linh hoạt, phong phú để kịp thời định hướng về những phương hướng lớn thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước.

Hai là, củng cố và mở rộng cơ sở hợp tác cùng có lợi giữa hai bên trên mọi lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, du lịch... Hai bên cần tăng cường điều phối chiến lược về phát triển kinh tế, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực.

Ba là, không ngừng kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, làm phong phú thêm nội dung giao lưu hợp tác hữu nghị giữa các tầng lớp nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, tăng cường tuyên truyền về công cuộc phát triển mỗi nước cũng như tình hữu nghị Việt-Trung.

Bốn là, xuất phát từ quan hệ láng giềng hữu nghị Việt-Trung, trên cơ sở nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, kiên trì thông qua các biện pháp hòa bình, hiệp thương hữu nghị, xử lý thỏa đáng mọi bất đồng và những vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước, duy trì cục diện ổn định của quan hệ hai nước.

Theo Mõ Làng Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét