Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Thiếu sân chơi cho trẻ em trong dịp hè !

Hồng Đăng

Xã hội phát triển kéo theo đó là sự xuất hiện của ngày càng nhiều những khu công nghiệp, nhà cao tầng san sát, cửa hiệu, hàng quán đủ kiểu song có lẽ các sân chơi công cộng cho trẻ em còn rất ít và chưa đáp ứng được cho đại đa số dân cư đang ngày càng gia tăng như hiện nay. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành VHTT&DL ở nhiều tỉnh trên cả nước hiện nay, các công trình văn hóa, khu vui chơi cho trẻ em còn quá ít so với nhu cầu của xã hội. Nhiều tỉnh chỉ có vài ba công viên, khu vui chơi cho trẻ em. Đến các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì tình trạng trẻ em thiếu sân chơi lại càng phổ biến. Ở Hà Nội, trong khi các địa điểm vui chơi, sinh hoạt hè của trẻ em như Cung Thiếu Nhi, Công Viên Nước, bể bơi, công viên … luôn quá tải , trẻ em rơi vào tình trạng thiếu sân chơi trầm trọng thì rất nhiều nhà văn hóa cấp quận, huyện lại trong cảnh vắng vẻ, hoạt động chưa tích cực do thiếu đầu tư và nguồn nhân lực, …

Thiếu sân chơi  cho trẻ em trong dịp hè

Bể bơi chật cứng người… Ảnh minh họa

Thiếu sân chơi  cho trẻ em trong dịp hè

Thiếu chỗ vui chơi, các em nhỏ đá bóng giữa lòng đường…(Ảnh: internet)

Với các bạn trẻ mỗi khi hè về được hưởng niềm vui tạm rời sách vở, nhà trường để vui chơi thỏa thích thì hiện nay đa số trẻ em thành phố lại phải đối mặt với những ngày quẩn quanh trong bốn bức tường hoặc suốt ngày ôm chiếc máy tính.Còn ở các địa phương hay nhất là các vùng nông thôn, vùng miền núi, có lẽ trẻ em không thiếu các địa điểm để chơi nhưng đó lại chỉ là những khu đất trống, những con đường vắng bóng người hay thậm chí là con sông, con suối – những nơi luôn có nguy hiểm rình rập nếu không có người trong nom, quản lý. Các công trình , thiết kế phục vụ vui chơi, giải trí thì hầu như không có hoặc là do tư nhân tự phát đầu tư để kinh doanh nên không phải trẻ em nào cũng có điều kiện tham gia. Các trung tâm văn hóa  và thư viện thì vẫn là những địa chỉ quen thuộc với các trẻ em ở huyện song cũng chỉ đáp ứng được một số ít đối tượng và chưa thu hút được các ban trẻ vì cơ sở vật chất còn thiếu và vị trí cũng chỉ thường đặt ở trung tâm quận, huyện.
            Chính sự thiếu thốn các khu vui chơi cũng là một lý do chính dẫn đến các cơ sở kinh doanh điện tử, internet trở nên đông đúc vào mỗi dịp hè về. Ngày nay, từ thành phố đến nông thôn, các quán điện tư, internet mọc nên như nấm, san sát nhau và lúc nào cũng trong tình trạng đông khách mỗi dịp hè, phần lớn khách hàng là các em nhỏ ở độ tuổi từ 8 – 18 tuổi. Nhiều gia đình, bố mẹ đi làm cả ngày không có thời gian chăm sóc con cái, cộng thêm sự thiếu quan tâm khiến nhiều em vui đầu vào những quán nét gần như cả ngày. Trong số đó không ít em đã sa đà vào các trò chơi mang tính bạo lực, dễ phát sinh những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc, thậm chí là phạm tội. Hiện nay, các vụ trẻ em chưa đến tuổi vị thành niên phạm tội do nghiện game đang gia tăng một cách đáng báo động. Không những thế Internet còn có đủ các thứ thông tin bẩn, không lành mạnh nếu các em chưa có sự “đề kháng” nhất định thì rất dễ bị cuốn hút trở thành các con nghiện sex, nghiện mạng xã hội,… dẫn đến những ảnh hưởng rất xấu về tư duy cũng như sự phát triển bình thường của các em. Nhiều vị cha mẹ phụ huynh học sinh cũng hiểu được sự nguy hiểm của việc này song thay vì tìm cho con mình một địa điểm vui chơi bổ ích lại gửi các em đến các lớp học thêm dạy thêm khiến các em mất luôn cả kỳ nghỉ hè, chẳng có thời gian để mà vui chơi.
            Tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em nguyên nhân chủ yếu là do công tác quy hoach sân chơi và các địa điểm vui chơi dành cho trẻ em còn chậm và thiếu. trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương còn chưa tính đến địa điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng các cơ sở văn hóa, giải trí, vui chơi cho trẻ em chủ yếu chỉ tập trung ở đô thị và các khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư. Bên cạnh đó thì kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em còn ít so với nhu cầu, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em.
            Nhưng bên cạnh đó cũng phải kể đến những điểm sáng trong công tác tổ chức vui chơi sinh hoạt cho trẻ em ở nhiều địa phương trên cả nước. Đó là hình thức tổ chức sinh hoạt hè của đoàn thanh niên các địa phương. Với mục tiều tập hợp đông đảo các em thiếu nhi tham gia sinh hoạt vào các buổi tối, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho thiếu nhi ở địa bàn dân cư trong dịp hè. Nhiều đoàn thanh niên các địa phương đã tổ chức được các mô hình các câu lạc bộ như dạy võ, thể dục nhịp điệu , múa hát, văn nghệ, tổ chức dạy bơi,… cho các em. Để thu hút được các em tham gia sinh hoạt các chi đoàn cơ sở đứng ra tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em như : tổ chức hội trại, giao lưu văn nghệ, thể dục – thể thao, trò chơi cộng đồng, thăm quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh,…Đây thực sự là một hoạt động thiết thực và rất tích cực của đoàn thanh niên các địa phương, thực sự tạo nên một sân chơi bổ ích cho các em trong dịp hè. 

Thiếu sân chơi  cho trẻ em trong dịp hè

Đoàn thanh niên tổ chức cho các em chơi trò chơi … (Ảnh Internet.).

Thiếu sân chơi  cho trẻ em trong dịp hè

Hướng dẫn các em múa hát, sinh hoạt hè.(Ảnh : Internet..)
               

Tuy nhiên ở nhiều địa phương thì các phong trào đoàn đội thanh niên tổ chức sinh hoạt hè còn nghèo nàn lạc hậu về nội dung và thiếu hấp dẫn ở hình thức dẫn đến việc không thu hút được các em thiếu nhi tham gia sinh hoạt do thiếu kinh phí và nhiệt tình của một bộ phận các cán bộ đoàn. Thực sự hoạt động sinh hoạt hè là hết sức ý nghĩa cần được cổ vũ và ủng hộ hơn nữa tạo sân chơi lành mạnh cho các em thiếu nhi. Để làm được việc đó cần sự quan tâm và đầu tư hơn nữa ở các cấp lãnh đạo và sự ủng hộ của xã hội, gia đình các em và các cơ quan đoàn thể. Mong rằng trong thời gian tới các em sẽ được tham gia nhiều hình thức sinh hoạt bổ ích, có thật nhiều địa điểm vui chơi lành mạnh, lý thú và thực sự có những ngày hè thật tươi vui và bổ ích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét